image banner
Vĩnh Tân tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các biện pháp an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn nông hộ để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn

Hiện nay, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, có nguy xuất hiện lây lan  diện rộng là rất cao; vì vậy, nhằm hạn chế Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại cho người chăn nuôi lợn trên địa bàn xã. Vừa qua, UBND xã Vĩnh Tân đã ban hành Thông báo về việc hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn nông hộ để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Về đặc điểm bệnh Dịch tả lợn Châu phi: đây là một bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra; Tỷ lệ chết cao, bệnh lây lan nhanh; Vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; Không có thuốc điều trị đặc hiệu; Gây thiệt hại kinh tế lớn; Không lây bệnh cho người. Vì vậy việc chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp quan trọng để phòng, chống bệnh.

Về một số triệu chứng của lợn nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Lợn bị nhiễm bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, cụ thể: Thể quá cấp tính (do vi rút có độc lực cao gây ra): Lợn bị chết nhanh mà không có triệu chứng bệnh; Thể cấp tính (do vi rút có độc lực cao gây ra): Lợn sốt cao (40,5- 42°C), bỏ ăn, lười vận động, ủ rũ, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển khó khăn, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 06-13 ngày hoặc có thể kéo dài đến 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết cao lên tới 100%.

Vì vậy, để đảm bảo An toàn sinh học trong chăn nuôi thì các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, trại chăn nuôi của hộ gia đình và gây bệnh cho lợn là rất quan trọng. Để làm được vấn đề này đòi hỏi chuồng nuôi lợn phải tách với nhà ở; có cổng, tường, hàng rào, vách ngăn riêng biệt; Phải có ô chuồng nuôi cách ly: để nuôi mới nhập hoặc nuôi lợn bị bệnh; Có hố hoặc khay chứa nước vôi, hóa chất trước dãy chuồng để sát trùng.

Nếu có điều kiện thì nuôi lợn theo phương pháp cách ô để giảm thiểu sự tiếp xúc lợn giữa các ô chuồng với nhau. Nhất là phải có lưới xung quanh để ngăn chặn chó, mèo, chim, chuột ruồi muỗi... từ bên ngoài có thể mang theo mầm bệnh vào khu vực chuồng nuôi lợn.

Thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại mỗi ngày; phun thuốc sát trùng trực tiếp trên lợn ít nhất 2 lần/ tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Chất sát trùng tại các hố sát trùng hoặc khay sát trùng phải bổ sung hoặc thay hàng ngày, cần thay đổi các loại chất trùng để tăng hiệu quả sát trùng.

Nhằm kiểm soát tốt bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng, UBND xã Vĩnh Tân đề nghị các tổ chức, cá nhân, hộ chăn nuôi Lợn trên địa bàn xã cần chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn để đảm bảo an toàn và hiệu quả chăn nuôi. Bao gồm các loại: vắc xin Dịch tả lợn; vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi; vắc xin lở mồm long móng; vắc xin tụ huyết trùng; vắc xin Phó thương hàn; vắc xin Tai xanh.

Lưu ý là khi tiêm phòng cần phải sử dụng vắc xin phải có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng; tiêm phòng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; hoặc nhân viên thú y; chỉ tiêm phòng vắc xin cho lợn khỏe. Tuyệt đối không tiêm phòng vắc xin cho lợn đang có triệu chứng nhiễm bệnh./.
TRANG TRUYỀN HÌNH
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập